Dự án: Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ Hàn Quốc phù hợp trong điều kiện sản xuất rau quy mô nông hộ ở Việt Nam nhằm nâng cao thu nhập

  • GIỐNG CẢI BẮP CT17
  • Dưa lê Super 007 Honey
  • Ớt cay High Fly
  • Cải củ Song Jeong
  • Xà lách Ha Cheong
  • Giống bí ngồi Star ol

QUY TRÌNH SẢN XUẤT XÀ LÁCH HA CHEONG AN TOÀN THEO VIETGAP

QUY TRÌNH KỸ THUẬT:QUY TRÌNH SẢN XUẤT XÀ LÁCH HA CHEONG AN TOÀN THEO VIETGAP
(Lactuca sativa)

(Ban hành kèm theo Quyết định  số 13/QĐ-VRQ-KH, ngày 07/1/2020 của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả)

PHẦN I: THÔNG TIN CHUNG

  1. Nhóm tác giả: PGS. TS. Nguyễn Quốc Hùng, TS. Ngô Thị Hạnh, ThS. Phạm Thị Minh Huệ, ThS. Lê Thị Tình, ThS. Hoàng Minh Châu, ThS. Trần Thị Hồng, ThS. Nguyễn Xuân Điệp
  2. Cơ quan tác giả: Viện Nghiên cứu Rau quả - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
  3. Nguồn gốc, xuất xứ: Quy trình kỹ thuật này được xây dựng từ kết quả nghiên cứu của chương trình Hợp tác với Hàn Quốc: dự án:“Phát triển sản xuất rau thông qua giới thiệu các giống rau tiên tiến của Hàn Quốc và những công nghệ canh tác thích hợp cho các vùng sinh thái của Việt Nam, gia đoạn 2014-2017” và dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ Hàn Quốc phù hợp trong điều kiện sản xuất rau quy mô nông hộ ở Việt Nam nhằm nâng cao thu nhập, giai đoạn 2018-2020”
  4. Phạm vi áp dụng: Áp dụng trên phạm vi cả nước
  5. Đối tượng áp dụng: Quy trình được áp dụng đối với mỗi cá nhân, tập thể, tổ chức sản xuất xà lách Ha Cheong thương phẩm. 

PHẦN II:QUY TRÌNH KỸ THUẬT

  1. Giới thiệu giống

Giống  xà lách Ha Cheong là giống mới  của Tổng Cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc (RDA). Giống được trồng tại Hà Nội từ năm 2009.  Thời gian sinh trưởng 90 - 110 ngày. Lá có màu xanh nhạt, bản lá dày giòn xoăn. Khối lượng lá từ 250 - 260 g/cây. Năng suất đạt 18 - 20 tấn/ha. Chất lượng chất khô đạt 7.37 %, vitamin C: 4.5 %, đường tổng số: 1.1%. Chống chịu tốt với một số bệnh chủ yếu trên cây xà lách.

  1. Các biện pháp kỹ thuật
  2. Thời vụ trồng

- Vụ thu đông: Bắt đầu gieo hạt từ 15-25 tháng 9 trồng tháng 10

- Vụ xuân hè: Bắt đầu gieo hạt tháng 2 trồng tháng 3

3. Làm đất

Chọn nơi đất cao, dễ thoát nước, đất thịt nhẹ có độ pH từ 6,0 - 6,5, cách xa khu công nghiệp, xa nguồn nước thải của bệnh viện, khu dân cư và đường quốc lộ. Lên luống cao 20 – 30cm, rãnh rộng 30cm, mặt luống 1 m.  Rắc phân lót trộn đều với đất, san phẳng mặt luống. Xử lý đất bằng thuốc Vicarpen liều lượng 27 kg/ha. Phủ nilon lên mặt luống để tránh cỏ dại, rửa trôi dinh dưỡng đất, giữ ẩm và giữ ấm cho đất.  

4. Gieo hạt

Hạt có thể gieo vãi trực tiếp xuống đất. Làm đất nhỏ rắc phân chuồng hoai mục, san phẳng mặt luống rắc đều hạt trên mặt luống, phủ rơm hoặc trấu và thường xuyên tưới giữ ẩm trong giai đoạn cây con.

Để tiết kiệm lượng hạt giống và chủ động về chất lượng cây con áp dụng phương pháp gieo vào bầu. Hạt sau khi đã ngâm và ủ hạt cho nứt nanh đem gieo vào bầu. Quy trình ngâm ủ hạt giống: ngâm hạt trong nước ấm (3 sôi 2 lạnh) 1- 2 giờ. Sau khi ngâm vớt hạt ra cho vào khăn ẩm bông để ủ hạt. Sau khi hạt nào nứt nanh đem gieo, số hạt còn lại tiếp tục ủ đến khi nảy mầm hết đem gieo.

Cây gieo được 5 tuần, khoảng 30- 35 ngày, có 4- 5 lá thật, cây xanh, khỏe, sạch sâu, bệnh, cao khoảng 8- 10 cm đem ra trồng, trồng vào buổi chiều mát.

5. Mật độ, khoảng cách

+ Vụ thu đông mật độ trồng: cây cách cây 25 - 30 cm, hàng cách hàng 30 cm, mật độ 75.000cây/ha.

+ Vụ xuân hè mật độ trồng: cây cách cây 25 cm, hàng cách hàng 25 cm, mật độ 95.000 cây/ha.

6. Phân bón

+ Lượng bón: 

 Loại phân   Tổng lượng phân bón (tấn/ha)   Bón lót (%)  Bón thúc (%) 
 Lần 1  Lần 2
 Phân chuồng hoai mục  20.000-30.000  100  -  -
 N  60-70  30  30 40 
P2O5 30-40 100 - -
K2O 60-70 30 30 40

Không sử dụng phân tươi, nước phân tươi để bón cho cây. Chỉ dùng phân hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh.

+ Cách bón thúc:

- Lần 1: Khi cây hồi xanh (sau trồng 7-10 ngày)

- Lần 2: Khi cây trải lá (sau trồng 20-25 ngày)

- Có thể giảm lượng phân hóa học và phun các chế phẩm dinh dưỡng qua lá như Agrodream, Rong biển, Ezim phun đều cho cây vào 2 đợt nằm trong khoảng giữa thời gian các lần bón phân trên. Ngừng bón và phun trước thu hoạch 30 ngày

7. Chăm sóc

Không dùng nước bẩn, nước ao tù, nước thải công nghiệp chưa được xử lý để tưới cho cây. Chỉ nên dùng nước phù sa hoặc nước giếng khoan để tưới cây. Xà lách rất cần nước vì vậy sau khi trồng mỗi ngày tưới đủ ẩm 1 lần, từ 8- 10 ngày, khi cây hồi xanh 2 - 3 ngày tưới một lần. Có thể tưới tràn vào rãnh khi đủ ẩm phải tháo hết nước ngay.

8. Phòng trừ sâu bệnh

8.1. Sâu:

Xà lách thường ít bị sâu phá hại. Cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM cho cây, thường xuyên dọn vệ sinh đồng ruộng, có chế độ luân canh hợp lý giữa các cây trồng cạn và nước, giữa các cây trồng khác họ. Theo dõi thường xuyên để phát hiện sâu bệnh  trên cây và có biện pháp phòng trừ  kịp thời.

  Rệp (Myzus persicae, Myzus asealonicus và Macrosiphum euphorbiae) thường phá hoại ở vụ chính, vào thời điểm nhiệt độ không khí thấp, độ ẩm không khí thấp. Nếu xuất hiện rệp nên phun bằng thuốc trừ sâu sinh học: BT, Rotenon, thuốc chiết xuất từ cây Neem, không nên dùng thuốc hóa học vì xà lách là loại rau ăn sống, dễ gây ngộ độc.

 Sâu đo  thường phá hại vào vụ sớm, nhiệt độ không khí cao, độ ẩm không khí cao. Sâu đo thích ăn cây non hơn cây già nên phun bằng thuốc sinh học BT.

Sâu xám (Agrotis ipsilon) sống trong đất, phá hại khi cây mới trồng, trước khi trồng cây nên xử lý đất bằng Vicarpen 1kg/sào Bắc bộ.

8.2. Bệnh:

Bệnh chết thắt cây con do nấm Rhizoctonia solani và Pythium ultinum gây ra ở 2 thời kỳ của cây trước nảy mầm và sau nảy mầm. Trường hợp đầu tiên khi hạt mới nảy mầm đã bị nhiễm ngay, trường hợp thứ hai cây con mới nảy mầm bị nhiễm ngay từ mặt đất, vết bệnh màu nâu trên thân, cây gục xuống và chết hàng loạt. Đất quá ẩm và nhiệt độ cao làm bệnh lây lan nhanh.

Bệnh thối rễ do nấm Pythium ultinum gây ra, xuất hiện khi đất dí chặt, tưới quá nhiều nước, cần làm cho đất thông thoáng, bón thêm vật liệu hữu cơ cho đất tơi xốp. Luân canh với cây trồng khác. Phun thuốc trừ bệnh bằng thuốc Viben C 50WP, Aliette 80WP… phun hoặc pha loãng để tưới.

Bệnh sương mai do nấm Bremia lactucae  gây ra khi độ ẩm đất và không khí quá cao. Vết bệnh có màu xanh nhạt, sau đó chuyển màu nâu, loài rau diếp và xà lách xòe mẫn cảm với bệnh này. Phun thuốc trừ bệnh bằng thuốc Zineb 80 WP

Bệnh thối thân do nấm Sclerotinia sclerotiorum gây ra, vết bệnh xuất hiện ở phần thân gần đất, sau đó lan đến lá bị khô, cây gục xuống và chết, trong thân mô cây bị thối nhũn. Bào tử nấm sống nhiều năm trong đất, phải luân canh với cây trồng khác họ. Trong vườn ươm nên tỉa cây con có mật độ vừa phải, dọn vệ sinh để hạn chế bệnh, bón đạm và kaly cân đối, bón nhiều phân hữu cơ, xử  lý đất trước khi trồng. Sử dụng thuốc Aliette 800WG, Daconil 75WP…

Bệnh đốm lá do vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. vitians. Vết bệnh thường xuất hiện ở lá bánh tẻ, lúc đầu vết bệnh chấm nhỏ tròn li ti mé rìa vết bệnh có màu vàng. Các vết bệnh lên kết lại tạo thành vùng rộng trên lá, sau đó trên lá bị bệnh có màu nâu đen và khô. Để phòng bệnh đốm lá  phải luân canh với cây trồng khác họ, dọn vệ sinh để hạn chế bệnh, bón đạm và kaly cân đối, bón nhiều phân hữu cơ, cần chăm sóc cây ở giai đoạn vườn ươm để hạn chế bệnh. 

Áp dụng phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hơp (IPM) để phòng  bệnh hại. Nên ngừng phun thuốc BVTV 20 ngày trước khi thu hoạch.

9. Thu hoạch

+ Xà lách Ha Cheong có thể thu hoạch nhiều lần bằng cách tỉa lá ra trước khi đủ tiêu chuẩn thu hái.  Thời gian bắt đầu cho thu hoạch khoảng 30 - 35 ngày sau trồng.

Khi thu hoạch xếp lá lần lượt và dụng cụ thu hái tránh dập nát trong quá trình vận chuyển.

10. Vệ sinh đồng ruộng

Sau mỗi vụ gom sạch tàn dư ra khỏi ruộng/nhà lưới có thể ủ làm phân bón hoặc đốt. Giá thể cũng được đổ ra, nhặt sạch tàn dư, phơi khô, ủ xử lý để trồng cho cây khác họ hoặc tái sử dụng khi đảm bảo thời gian xử lý.

BÀI VIẾT MỚI

Về Dự án

Quy trình kỹ thuật này được xây dựng từ kết quả nghiên cứu của chương trình Hợp tác với Hàn Quốc: dự án:“Phát triển sản xuất rau thông qua giới thiệu các giống rau tiên tiến của Hàn Quốc và những công nghệ canh tác thích hợp cho các vùng sinh thái của Việt Nam, giai đoạn 2014-2017” và dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ Hàn Quốc phù hợp trong điều kiện sản xuất rau quy mô nông hộ ở Việt Nam nhằm nâng cao thu nhập, giai đoạn 2018-2020”