Dự án: Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ Hàn Quốc phù hợp trong điều kiện sản xuất rau quy mô nông hộ ở Việt Nam nhằm nâng cao thu nhập

  • GIỐNG CẢI BẮP CT17
  • Dưa lê Super 007 Honey
  • Ớt cay High Fly
  • Cải củ Song Jeong
  • Xà lách Ha Cheong
  • Giống bí ngồi Star ol

QUY TRÌNH SẢN XUẤT CẢI CỦ SONG JEONG AN TOÀN THEO VIETGAP

QUY TRÌNH KỸ THUẬT:QUY TRÌNH SẢN XUẤT CẢI CỦ SONG JEONG AN TOÀN THEO VIETGAP

(Raphanus sativus L.)

(Ban hành kèm theo Quyết định  số 13/QĐ-VRQ-KH, ngày 07/1/2020 của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả)

PHẦN I:THÔNG TIN CHUNG

  1. Nhóm tác giả: PGS. TS. Nguyễn Quốc Hùng, TS. Ngô Thị Hạnh, ThS. Phạm Thị Minh Huệ, ThS. Lê Thị Tình, ThS. Hoàng Minh Châu, ThS. Hoàng Minh Châu, ThS. Trần Thị Hồng, ThS. Nguyễn Xuân Điệp
  2. Cơ quan tác giả: Viện Nghiên cứu Rau quả - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
  3. Nguồn gốc, xuất xứ: Quy trình kỹ thuật này được xây dựng từ kết quả nghiên cứu của chương trình Hợp tác với Hàn Quốc: dự án:“Phát triển sản xuất rau thông qua giới thiệu các giống rau tiên tiến của Hàn Quốc và những công nghệ canh tác thích hợp cho các vùng sinh thái của Việt Nam, giai đoạn 2014-2017” và dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ Hàn Quốc phù hợp trong điều kiện sản xuất rau quy mô nông hộ ở Việt Nam nhằm nâng cao thu nhập, giai đoạn 2018-2020”
  4. Phạm vi áp dụng: Áp dụng trên phạm vi cả nước
  5. Đối tượng áp dụng: Quy trình được áp dụng đối với mỗi cá nhân, tập thể, tổ chức sản xuất cải củ giống Song Jeong thương phẩm. 

PHẦN II: QUY TRÌNH KỸ THUẬT

I.Giới thiệu giống  

Giống cải củ Song Jeong là giống lai F1 của công ty Jin Hung của Hàn Quốc.

Giống Song Jeong được Tổng cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc  (RDA) giới thiệu. Giống có thời gian sinh trưởng 75 – 85 ngày. Kích thước lá 40-45 x 12-13 cm, có màu xanh đậm, xẻ thuỳ sâu, có lông. Vai củ màu xanh, thịt củ có màu trắng ở phần dưới, xanh ở phần trên. Kích thước củ 20-24 x 8-10 cm, khối lượng củ 500 - 600 g/củ (vụ xuân) và 1.200 - 1.500 g/củ (vụ đông). Năng suất đạt 40 – 45 tấn/ha vụ xuân và 80 - 85 tấn/ha vụ đông. Ít bị sâu bệnh hại trong điều kiện đồng ruộng. Chất lượng củ tốt: ít xơ, đặc, thớ thịt củ mịn, lâu bị hoá bấc, hàm lượng chất khô 9,5%, vitamin C: 12,4 mg%, đường tổng số: 2,8%.

  1. Các biện pháp kỹ thuật
  2. Thời vụ:

+ Vụ đông (chính vụ): gieo từ tháng 20 tháng 9 đến 15 tháng 10

+ Vụ xuân gieo sớm cuối tháng 1 - đầu tháng 2

  1. Làm đất và lên luống

Chọn đất đã được luân canh (không luân canh với họ cây thập tự) đất cát pha, đất thịt nhẹ tơi xốp, giầu dinh dưỡng, cao, chủ động tưới tiêu.

Đất phải được cày lật phơi ải trước khi gieo trồng từ 10- 15 ngày. Sau khi phơi ải, đất được bừa kỹ lên luống rộng 1,3 - 1,4 m, rãnh rộng 30cm, cao 30cm,  nếu gieo vào vụ sớm cần lên luống cao hơn. `   

  1. Gieo hạt

Luống được làm nhỏ đất, bón lót phân chuồng và vôi, trộn đều trong đất, san phẳng mặt luống và gieo hạt. Lượng hạt giống sử dụng 3,5-4 kg/ha. Có thể trộn hạt với cát hoặc đất bột nhỏ để gieo. Đặt 1-2 hạt/hốc, dằn nhẹ để hạt in vào các khe đất, phủ một lớp đất tơi mỏng. Sau đó phủ kín mặt đất bằng một lớp rơm rạ cũ băm nhỏ dài 3 – 4 cm hoặc trấu.

  1. Mật độ

Gieo 3 hàng/luống với khoảng cách hàng cách hàng: 30cm, cây cách cây: 30 cm. Mật độ 75.000 cây/ha (vụ thu đông)

Gieo 3 hàng/luống với khoảng cách hàng cách hàng: 30cm, cây cách cây: 25 cm. Mật độ 90.000 cây/ha (vụ xuân hè)

  1. Phân bón

            Lượng phân bón cho 1 ha:

 Loại phân   Tổng lượng phân bón (kg)   Bón lót
(%) 
 Bón thúc (%)  
 Lần 1 Lần 2  Lần 3 
 Phân hữu cơ  20.000-30.000  100 - - -
 Vôi  800 100 - - -
N 60-80 20 20 30 30
P2O 40-80 100 - - -
K20 80-100 20 20 30 30
Borat 40 -50 100      

Cách bón:

  • Bón lót:

Bón lót toàn bộ phân hữu cơ đã được ủ mục hoặc phân hữu cơ vi sinh + lân + vôi bột + borat. Bón theo hàng rạch, hoặc bón rải đều trên mặt luống, trộn đảo đều phân với đất trước khi gieo hạt.

  • Bón thúc 

Đợt 1: Khi cây được 2-3 lá thật (15-20 ngày sau gieo), sau khi vun xới và tỉa cây lần thứ nhất.

Đợt 2: Khi cây bắt đầu phình củ (30 - 35 ngày sau gieo), sau khi vun xới và tỉa cây lần thứ hai.

Đợt 3: Khi củ đang phát triển (45-50 ngày sau gieo).

  1. Chăm sóc

+ Tưới nước.

Sau khi gieo cần đảm bảo đủ ẩm cho cây mọc mầm. Có thể dùng ô doa tưới hàng ngày, hoặc tưới thấm nếu gần nguồn nước, nhưng cần thoát nước ngay.

+ Tỉa cây:

Đợt 1:  khi cây được 2-3 lá thật, xới xáo nhẹ, tỉa bớt những chỗ cây mọc dày, cây xấu, kết hợp nhặt cỏ.  

Đợt 2: Khi cây bắt đầu phình củ, xới kết hợp với vun vào gốc, làm cỏ, và tỉa định cây, chỉ để 1 cây/hốc.

  1. Phòng trừ sâu bệnh

- Sâu hại

+ Bọ nhảy (Phyllotetra striolata) có thể gây hại trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây cải, nhưng mạnh nhất là khi cải còn nhỏ (sau gieo khoảng 7-10 ngày). Bọ nhảy phát sinh và phá hại mạnh trong điều kiện thời tiết nóng và khô, mật độ giảm đi khi trời mưa nhiều, ở các tỉnh phía Bắc bọ nhảy sọc phát sinh nhiều vào hai đợt tháng 3 - 5 và 7 - 9, trong đó đợt đầu mạnh hơn. Phun Oshin 20WP, Elsin 10EC, Ecasi 20EC…

+ Sâu xanh bướm trắng (Pieris rapae), sâu khoang (Spodoptera liture): Trồng luân canh giữa rau cải củ với lúa nước hoặc các nhóm rau khác họ (đậu, cà). Trên cùng ruộng có thể trồng xen canh cải củ với cà chua, hành để hạn chế gây hại. Khi  sâu hại nặng có thể dùng các thuốc Elincol 12ME, Xentari 35WDG, Pegasus 500SC, Ammate 150EC…

+ Rệp (Aphis sp.): Khi ruộng cải củ gặp hạn rệp hại càng nhiều. Luôn chú ý giữ đủ ẩm, tỉa bỏ lá già, lá bệnh. Khi rệp nhiều có thể dùng 1 số thuốc BVTV như Elincol 12ME, Trebon 30 EC, Elsin 10 EC…

Tất cả các loại thuốc hoá học phải phun đúng nồng độ và đảm bảo thời gian cách ly theo hướng dẫn ghi trên nhãn bao bì.

- Bệnh hại

Các bệnh hại chính là: thối nhũn do vi khuẩn (Erwinia carotovora sp.), bệnh thối do nấm (Sclerotinia sclerotiorum). Hạn chế bệnh bằng cách không để ruộng quá ẩm, úng kéo dài, làm cỏ, thu gom các lá già, lá bệnh... làm cho ruộng sạch, thông thoáng.

  1. 8. Thu hoạch, bảo quản

Thời gian thu hoạch tùy thuộc vào thời vụ, thường 75-85 ngày sau mọc là thu hoạch được. Phải đảm bảo thời gian cách ly đối với phân bón và thuốc trừ sâu bệnh theo hướng dẫn. Khi thu hoạch cần nhổ cả cây, rũ sạch đất, cắt toàn bộ phần lá chỉ để lại 3-4 cm cuống, rửa bằng nước sạch, tránh dập nát, trầy xước vỏ củ làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hoá. Loại bỏ những củ bị sâu bệnh, sau đó vận chuyển đến nơi sơ chế.

Nhà sơ chế, cũng như thiết bị, dụng cụ, vật tư, đồ chứa, phương tiện vận chuyển trong quá trình sơ chế cải củ phải đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Chất lượng nước sơ chế tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt theo quy định của Bộ Y tế.

Đựng trong túi nilon có đục lỗ và xếp vào khay, sọt hoặc thùng carton. Ghi nhãn theo quy định. Bảo quản sản phẩm nơi thoáng mát và vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Sản phẩm rau cải củ an toàn sau sơ chế để tiêu thụ trên thị trường phải đạt các chỉ tiêu chất lượng không vượt mức giới hạn tối đa cho phép của một số hoá chất và vi sinh vật gây hại trong sản phẩm rau ăn củ.

BÀI VIẾT MỚI

Về Dự án

Quy trình kỹ thuật này được xây dựng từ kết quả nghiên cứu của chương trình Hợp tác với Hàn Quốc: dự án:“Phát triển sản xuất rau thông qua giới thiệu các giống rau tiên tiến của Hàn Quốc và những công nghệ canh tác thích hợp cho các vùng sinh thái của Việt Nam, giai đoạn 2014-2017” và dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ Hàn Quốc phù hợp trong điều kiện sản xuất rau quy mô nông hộ ở Việt Nam nhằm nâng cao thu nhập, giai đoạn 2018-2020”