Dự án: Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ Hàn Quốc phù hợp trong điều kiện sản xuất rau quy mô nông hộ ở Việt Nam nhằm nâng cao thu nhập

  • GIỐNG CẢI BẮP CT17
  • Dưa lê Super 007 Honey
  • Ớt cay High Fly
  • Cải củ Song Jeong
  • Xà lách Ha Cheong
  • Giống bí ngồi Star ol

QUY TRÌNH SẢN XUẤT ỚT HIGHFLY AN TOÀN THEO VIETGAP

QUY TRÌNH KỸ THUẬT: QUY TRÌNH SẢN XUẤT ỚT HIGHFLY AN TOÀN THEO VIETGAP
(Chili pepper sp.)

(Ban hành kèm theo Quyết định  số 13/QĐ-VRQ-KH, ngày 07/1/2020 của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả)

PHẦN I:THÔNG TIN CHUNG

  1. Nhóm tác giả: PGS. TS. Nguyễn Quốc Hùng, TS. Ngô Thị Hạnh, ThS. Phạm Thị Minh Huệ, ThS. Lê Thị Tình, ThS. Hoàng Minh Châu, ThS. Trần Thị Hồng, ThS. Nguyễn Xuân Điệp
  2. Cơ quan tác giả: Viện Nghiên cứu Rau quả - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
  3. Nguồn gốc, xuất xứ: Quy trình kỹ thuật này được xây dựng từ kết quả nghiên cứu của chương trình Hợp tác với Hàn Quốc: dự án:“Phát triển sản xuất rau thông qua giới thiệu các giống rau tiên tiến của Hàn Quốc và những công nghệ canh tác thích hợp cho các vùng sinh thái của Việt Nam, giai đoạn 2014-2017” và dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ Hàn Quốc phù hợp trong điều kiện sản xuất rau quy mô nông hộ ở Việt Nam nhằm nâng cao thu nhập, giai đoạn 2018-2020”
  4. Phạm vi áp dụng: Áp dụng trên phạm vi cả nước
  5. Đối tượng áp dụng: Quy trình được áp dụng đối với mỗi cá nhân, tập thể, tổ chức sản xuất ớt giống High Fly thương phẩm.

PHẦN II: QUY TRÌNH KỸ THUẬT

  1. Giới thiệu giống

Giống ớt High Fly là giống lai F1 của công ty Nong Woo Bio của Hàn Quốc, do Tổng cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc giới thiệu.

Giống High Fly có thời gian sinh trưởng từ 185-195 ngày, chiều cao cây từ 80-90 cm, kích thước quả 6-7 cm x 1-1,1cm, khối lượng quả 5,5-6,5, trên cây nhiều 100-120 quả, số quả năng suất đạt 130-150 tạ/ha và tỷ lệ chất khô cao từ 23-24%. Đặc biệt, giống ớt High Fly có cấu trúc quả dạng chùm nên rất tiện cho việc thu hoạch, một lần hái có thể thu được 3-4 quả do đó giảm công thu hái.

  1. Các biện pháp kỹ thuật
  2. Thời vụ:

- Vụ thu đông: gieo tháng 7- tháng 8, trồng tháng 8 - tháng 9

- Vụ xuân hè: gieo tháng 12 - tháng 1, trồng tháng 1- tháng 2

  1. Kỹ thuật ươm cây giống

- Vườn ươm chọn nơi khô ráo, đủ ánh sáng, chủ động chăm sóc và tưới tốt nhất là ươm cây trong nhà màng, có lưới đen để che nắng khi cần thiết.

- Trước khi gieo xử lý hạt bằng NaOCL nồng độ 0,15% , ngâm hạt khoảng 15 phút sau đó xả dưới vòi nước 30 phút vớt ra để ráo nước.

Có 2 cách gieo hạt trong vườn ươm: gieo vào khay bầu gieo trực tiếp xuống đất.

* Gieo hạt vào khay bầu

Dùng khay xốp hoặc khay nhựa có kích thước 60 ´ 45 cm với 84-128 lỗ/khay.

- Giá thể dùng để gieo hạt giống: đất : phân chuồng hoai mục : trấu hun (hoặc xơ dừa) trộn theo tỷ lệ 20%: 40%:40%.

- Đặt khay phẳng trên nền sau đó dùng 2 tay san qua san lại cho giá thể rơi vào hết các lỗ là được.

- Các khay sau khi đóng giá thể sẽ được tưới ẩm để làm mịn mặt của giá thể

- Tạo lỗ gieo hạt ớt (dùng que hoặc ngón tay ...) sâu khoảng 5-7mm

- Thả hạt ớt xuống lỗ, dùng giá thể rắc phủ kín hạt

- Xếp khay chồng lên nhau khoảng 10 khay, trên cùng phủ bao tải hoặc nilon giúp giữ ẩm cho khay trên cùng.

- Giữ nguyên chồng khay như vậy cho đến khi hạt nảy mầm (khoảng 5-6 ngày), sau ngày thứ 5 thường xuyên kiểm tra khay, nếu có hạt bắt đầu nảy mầm thì lập tức xếp khay ra khu vực chăm sóc cây con. Các khay cần được cách mặt đất 10cm để tránh rễ thò ra và đâm xuống đất

* Gieo trực tiếp trên luống đất

- Làm đất kỹ, luống đánh rộng 0,8 - 1 m, bón lót phân hữu cơ hoai mục, rải đều phân trên mặt luống, đảo đều đất và phân, vét đất ở rãnh phủ lên mặt luống dày 1,5 - 2 cm.

- Lượng hạt giống gieo 1,5-2 gram/m2, chia làm 2 đợt để hạt phân bố đều trên mặt luống (khi gieo trộn hạt với đất bột). Gieo hạt xong cào nhẹ hoặc dùng tay xoa nhẹ, đều trên mặt luống cho đất phủ kín hạt, phủ một lớp rơm rạ, trấu mỏng trên mặt luống và dùng ô doa tưới nước đủ ẩm. Nên sử dụng máy gieo hạt và công cụ gieo hạt thủ công giúp giảm chi phí giống, công lao động.

Sau khi gieo tưới 1 - 2 lần/ngày trong vòng 5-6 ngày, khi hạt nảy mầm nhô lên mặt đất 2 ngày tưới một lần. Khi cây được 2 - 3 lá thật tỉa bỏ cây bệnh, cây dị dạng, để khoảng cách cây là 3 - 4cm. Tuyệt đối không tưới phân đạm trong giai đoạn vườn ươm.

- Tiêu chuẩn cây giống: Cây con giống đạt 5-6 lá thật (tương đương 30-35 ngày sau gieo), thân cứng, mập, khoảng cách các lá ngắn, không bị sâu bệnh hại. 

  1. Chuẩn bị đất trồng ớt:

- Chọn chân đất giàu dinh dưỡng, tơi xốp độ pH 6 - 6,5 đất trồng không bị ô nhiễm và có nguồn nước tưới, tiêu tốt và giao thông thuận tiện.

- Đất được cày bừa kỹ sâu 20-30cm, phơi ải 10-15 ngày.

- Chiều cao luống tuỳ thuộc vào mùa vụ: mùa mưa luống cao 25-30cm, mùa khô luống cao 20 - 25 cm, để rãnh rộng 30 cm.

- Trồng hàng đôi luống rộng 1,4m - 1,5m.

- Các vùng đất chua hoặc không bón vôi thường xuyên thì cần bón 500kg vôi bột cho 1ha.

- Nên phủ mặt luống bằng màng phủ nông nghiệp hai mặt (mặt ánh bạc và mặt đen) hoặc rơm rạ để hạn chế cỏ dại và giữ ẩm.

- Mật độ và khoảng cách trồng: 45-50cm x 70cm, khoảng 29.000 - 30.000 cây/ha.

  1. Phân bón:
  2. a) Chỉ sử dụng các loại phân bón và chất phụ gia có trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam; ưu tiên lựa chọn các loại phân hữu cơ đã qua xử lý hoai mục, phân hữu cơ vi sinh.

            - Không sử dụng có nguy cơ ô nhiễm cao như: phân bắc, phân chuồng tươi, nước giải, rác thải sinh hoạt, rác thảỉ công nghiệp chưa qua xử lý (ủ hoai mục) để bón trực tiếp cho cà chua.

  1. b) Lượng bón và phương pháp bón: Tùy vào vùng sản xuất, giống và thời vụ được bón với mỗi ha khối lượng như sau
     Loại phân   Tổng lượng
    phân bón (kg/ha) 
     Bón lót
    (%) 
     Bón thúc (%)   
     Lần 1 Lần 2 Lần 3 Lần 4
     Phân hữu cơ  25.000 - 30.000  100 - - - -
     N  150-180  -  10 30 30 30
    P2O5 90-120 100 - - - -
    K2O 150-180 - - 30 40 30
    Vôi 500 100        

* Thời gian bón và cách bón

- Bón lót toàn bộ phân chuồng, vôi bột, lân. Rạch hàng rắc đều phân rồi lấp đất kín hết phân, phải bón trước khi trồng ít nhất 5-10 ngày.

- Bón thúc 1: Sau khi cây hồi xanh 7-10 ngày, dùng 10% phân đạm hoà loãng để tưới, sau đó tưới lại bằng nước lã.

- Bón thúc 2: giai đoạn cây ra hoa, bón 30 %N, 30 % K.

- Bón thúc 3: Giai đoạn quả rộ bón 30% N, 40% K.

- Bón thúc 4: Sau thu quả đợt 1 30% N, 30% K.

- Ngoài biện pháp bón vào đất, có thể phun qua lá các dung dịch dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng theo hướng dẫn sử dụng của hãng sản xuất.

 - Trường hợp không có phân chuồng hoai mục, có thể dùng phân hữu cơ vi sinh để thay thế với lượng dùng theo khuyến cáo, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt.

  1. Kỹ thuật trồng

-  Mật độ trồng: 33.000 cây/ha (3,3cây/m2).

- Trồng kiểu so le, hàng đôi khoảng cách: Cây x cây: 40cm; hàng x hàng: 60 cm.

- Thời gian trồng: trồng vào lúc râm mát, tốt nhất trồng vào buổi chiều. Sau khi trồng xong, dùng rơm rạ phủ lên mặt luống giữ ẩm. Có thể sử dụng màng phủ nilon để giữ ẩm, hạn chế cỏ dại, sâu bệnh, giảm hao hụt phân bón.

  1. Chăm sóc

* Tưới nước

- Sau khi trồng cây con, cần tưới ẩm và che nắng lúc cây con chưa bén rễ.

- Vào các thời kỳ nụ, hoa, quả rộ và quả đang lớn cần đảm bảo đủ n­ước, nếu có điều kiện thì t­ưới rãnh, khi mặt luống thấm nư­ớc đều phải tháo kiệt nước đọng trong rãnh. Cung cấp đủ nước cho ớt không để khô hạn hoặc tháo nước ngay khi bị ngập úng.

* Xới vun

- Là biện pháp kỹ thuật quan trọng trong quá trình chăm sóc ớt, số lần xới vun: 2-3 lần.

- Sau khi hồi xanh (sau trồng 10-15 ngày), xới phá váng, xới rộng khắp mặt luống, làm cho đất thông thoáng và kết hợp làm cỏ.

- Sau trồng 25-35 ngày, xới lần 2, xới nông, hẹp và vun đất vào gốc cây

- Sau trồng 45-50 ngày, trước khi làm giàn vét đất ở rãnh vun cao cho cây đứng vững.

* Làm giàn

Thời gian làm giàn cần thực hiện sớm, sau trồng 35-40 ngày tiến hành làm giàn theo kiểu chữ A hoặc làm giàn hàng rào, dùng dây mềm buộc cây lên giàn.

* Tỉa nhánh

 Thường xuyên tỉa bỏ lá già ở gốc và lá bệnh để tạo độ thông thoáng cho cây, hạn chế nơi cư trú của sâu bệnh hại.

  1. Phòng trừ sâu bệnh

7.1. Sâu hại

  1. a) Nhện trắng (Tetranychus spp):

- Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, không để ruộng  khô hạn.Trong mùa nóng và khô nên dùng bơm tưới nước phun lên cây tạo độ ẩm và khí hậu mát, hạn chế sự phát triển của nhện.

- Tỉa và thu gom các cành lá bị nhện hại nặng tập trung đốt để hạn chế nguồn nhện lây lan.

- Bảo tồn nhện thiên địch trong quần thể.

- Khi nhện phát triển gây hại cây trồng biện pháp phun thuốc chuyên trừ nhện là cần thiết. Khi phun thuốc cần phun nhiều nước, chú ý mặt dưới lá là nơi nhện tập trung gây hại, dùng thuốc trừ sâu sinh học có chứa hoạt chất Emamectin benzoate + Petroleum oil (Eska 250EC, Emamec 250EC…); Abamectin + Petroleum oil (Soka 25EC, Batas 25EC, Aramectin 250EC…); Rotenone (Limater 7.5 EC, Dibaroten 5 WP…); Bacillus thuringiensis var.kurstaki (Bitadin WP, Aizabin WP...).

  1. b) Bọ trĩ (Thrip sp):

- Biện pháp quản lý: Mùa vụ trồng tập trung; Dọn sạch tàn dư vụ trước; Tưới đủ ẩm trong mùa khô; Bọ trĩ có tính kháng thuốc rất cao, khi thấy vài con trên  ngọn cần phun các thuốc có hoạt chất Matrine (Agri one 1SL, Marigold 0.36SL, Sokupi 0.36SL, 0.5SL...); Thiamethoxam (Actara 25WG, Fortaras 25WG...); Abamectin (Silsau 3.6EC, Reasgant 1.8EC…); Emamectin benzoate (Susupes 1.9EC, Dylan 2EC…); Dinotefuran (Oshin 20WP, Chat 20WP...).

  1. c) Sâu xanh đục quả (Heliothis armigera):

- Phát hiện ổ trứng và kịp thời ngắt bỏ; Nên bắt sâu bằng tay kết hợp với dùng bả mồi; Phun các loại thuốc có hoạt chất Chlorantraniliprole (Dupont Prevathon 5SC…); Spinetoram (Radiant 60SC...); Indoxacarb (DuPont Ammate 150SC...); Lufenuron (Match 050 EC…); Emamectin benzoate (Susupes 1.9EC, Dylan 2EC…); Emamectin benzoate+Matrine (Rholam super 100WG, Mectinstar 1EC...).

  1. d) Rệp (Aphis spp)

- Biện pháp quản lý: Mùa vụ trồng tập trung; Dọn sạch tàn dư vụ trước;  Tưới đủ ẩm trong mùa khô; Rầy mềm có tính kháng thuốc cao, khi thấy vài con trên 1 ngọn non cần phun các thuốc có hoạt chất Pymetrozin (Actara 25 WP, Abatimec 3,6 EC).

7.2. Bệnh hại

  1. a) Bệnh thán thư (Collectotrichum capsici) 

- Biện pháp quản lý: Thu gom tiêu hủy quả bệnh; Trồng mật độ hợp lý; Bón cân đối dinh dưỡng; Phun các loại thuốc có hoạt chất Azoxystrobin+ Difenoconazole (Amistartop325SC...), Difenoconazole (Score 250EC,...),Metalaxyl hay các hỗn hợp Mandipropamid + Chlorothaloni.

  1. b) Bệnh héo rũ cây do nấm Phytophthora capsici

- Biện pháp quản lý: Thực hành luân canh tốt với cây trồng khác họ; Khi trồng cần lên luống cao sâu rộng để dễ thoát nước khi gặp mưa lớn; Thường xuyên kiểm tra phát hiện cây bị héo rũ để nhổ bỏ kịp thời, phải hạn chế tưới nước để tránh bệnh lây lan trên ruộng; Phun các thuốc có hoạt chất Metalaxyl, Hexaconazole; Azoxystrobin hay các hỗn hợp Mandipropamid + Chlorothalonil.

  1. c) Bệnh đốm xám (Stemphylium solani)

- Biện pháp quản lý: Dọn sạch tàn dư cây bệnh trên đồng ruộng; Bón phân cân đối hợp lý tránh bón đạm quá nhiều; Phun các thuốc có hoạt chất Copper Hydroxide (DuPont KocideÒ 46.1 WG…); Chlorothalonil (Daconil 75WP, Chionil 750WP, Arygreen 75 WP...); Difenoconazole (Score 250EC...);

  1. d) Bệnh Chilli veinal mottle virus (ChiVMoV)

         - Biện pháp quản lý: Không trồng xen và luân canh ớt với các cây họ cà khác. Phát hiện sớm cây nhiễm bệnh để nhổ bỏ và phun thuốc hoá học để phòng trừ môi giới truyền bệnh nhằm hạn chế bệnh lây lan rộng.

         - Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”. Vỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng phải được thu gom vào đúng nơi qui định.

  1. Thu hoạch, sơ chế và bảo quản

Khi quả chín đạt 70% thu hoạch cả cuống cho vào thùng xốp hoặc khay nhựa. Nếu thu trong quá trình thu hoạch gặp mưa cần phải phơi, hong để quả ớt không bị ẩm, ướt. Thu xong mang đi tiêu thụ ngay, không để thành đống lớn.

  1. Xử lý chất thải sau thu hoạch

Sau khi thu hoạch cần vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, thu gom hết tàn dư cây trồng để xử lý làm phân bón hữu cơ bón cho đất.

Tàn dư khó tiêu như màng phủ nông nghiệp, dây nilon được thu gom và mang đi xử lý. 

BÀI VIẾT MỚI

Về Dự án

Quy trình kỹ thuật này được xây dựng từ kết quả nghiên cứu của chương trình Hợp tác với Hàn Quốc: dự án:“Phát triển sản xuất rau thông qua giới thiệu các giống rau tiên tiến của Hàn Quốc và những công nghệ canh tác thích hợp cho các vùng sinh thái của Việt Nam, giai đoạn 2014-2017” và dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ Hàn Quốc phù hợp trong điều kiện sản xuất rau quy mô nông hộ ở Việt Nam nhằm nâng cao thu nhập, giai đoạn 2018-2020”